Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Vài bộ phim



Một sáng thức dậy, tôi thấy hộp thư đến có một tin nhắn gửi từ 11h30 đêm hôm trước. Anh nhắn: Hãy rủ người em yêu quý đi xem 12 years a slave nhé. Phim thuộc nhóm không thể bỏ qua đó. 



Cuối cùng thì tôi chẳng rủ ai đi xem hết, vẫn chọn cách xem một mình. Tôi nói, đây không phải là một bộ phim dễ xem. Nó được chuyển thể từ một cuốn tự truyện của một người da đen tự do viết về 12 năm kinh hoàng kể từ ngày ông bị đánh thuốc mê, bị bắt cóc và bị bán làm nô lệ vào những năm 1850. Đó là một thời kì tăm tối của con người: kinh thánh cho phép chế độ nô lệ. Nạn buôn bán nô lệ hoành hành khắp thế giới. Tôi không chắc trong cuốn tự truyện, Solomon Northup (tác giả) có viết chính xác lại lời của những tên da trắng hay không, nhưng trong bộ phim, đạo diễn đã tái hiện lại nguyên vẹn bối cảnh xã hội đen tối và tàn nhẫn ấy ngay từ đầu phim bằng những câu thoại mà nếu để ý, bạn sẽ thấy thật chua xót :" Tình cảm của tôi gia tăng với đồng tiền"- đó là lời của một tên trung gian bán người da đen khi hắn được hỏi : có còn tình người không? Tức là, chúng nó không có tình người, mà càng xem, các bạn sẽ càng nhận ra, đến cả "tính người" chúng nó cũng không còn nốt!

Tôi xin nhắc lại đôi chút về một bộ phim đã xem cách đây khá lâu, "Django Unchained" - chữ D câm, đọc là /jangou/ - (DU). Đây cũng là một bộ phim khắc họa tương đối rõ nét về chế độ nô lệ và số phận của những người nô lệ. Về cơ bản thì DU và 12 năm nô lệ có chung đề tài, nhưng cách khai thác khác hẳn nhau. Cả 2 phim đều rất "bạo lực", bạn cần phải cân nhắc trước khi xem. Nhưng cái bạo lực ở DU, đó là những cảnh máu phun như nước chảy, đỏ tươi, nói chung là giống như những cuộc thảm sát mà người ta hay cho đi liền với từ "đẫm máu". Hơn nữa, đó là đứa con tinh thần của Quentin Tarantino - tay đạo diễn nổi tiếng được yêu thích với những cốt truyện độc đáo, kịch tính, không thể đoán trước, "bựa" nhưng mà hay. Với những yếu tố như thế, Quentin Tarantino đã làm cho DU trở thành một bộ phim gay cấn với những tình tiết ông SÁNG TẠO ra, mang màu sắc của chính ông.

Nhưng còn 12 năm nô lệ, đó là người thật, xã hội thật. Ở đó, ấn tượng đầu tiên của tôi là những tấm lưng trần của người nô lệ. Nỗi đau đầu tiên quất vào tâm trí bạn, tôi tin cũng là cảnh nhân vật chính bị 2 tên da trắng xích lại, đạp cho nằm sấp, và cứ thế, chúng quất những chiếc roi dài đến vài mét vào lưng người vô tội, chẳng vì lí do gì cả, chỉ vì chúng coi họ là những "nigger" - thuật ngữ chỉ những người da đen nô lệ. Tôi nhớ lại những trận đòn Mẹ đánh hồi còn bé, và nhìn vào màn ảnh, tôi lại không khỏi giật mình nhận ra nỗi đau kia phải gấp hàng nghìn, hàng nghìn, hàng nghìn lần. Những tấm lưng trần ấy phải bật máu, căng phồng lên, những vết thương chạy dài và chồng chất lên nhau, chằng chịt, toác miệng. Dường như họ không còn một giá trị gì của con người cả, họ bị đem ra bán, mặc cả như một món đồ chơi của người da trắng. Rồi phải phục vụ trong trang trại của những kẻ đó, tối ngày thu hoạch bông lau trên đồng rồi cân lên, nhặt không được nhiều tương ứng với việc bị lôi ra đánh đập. Nhưng họ không thể làm gì khác, họ nhỏ nhoi và yếu đuối trước thế lực tàn bạo phi nghĩa : " Sinh tồn không chỉ là về cái chết, mà còn là sự nhịn nhục." Đúng thế, nhịn nhục. Tên chủ đồn điền trong DU cũng nói về việc mà hắn tâm đắc vô cùng: trong não của người da đen, có 3 vết lõm ứng với 3 vị trí gọi là 'đặc tính nô lệ'. Vì thế mà một người quản gia da đen, một tuần 3 lần, trong suốt 50 năm, cạo râu cho tên chủ da trắng bằng một con dao sắc lẹm, lại không 1 lần đâm cho hắn một nhát, ngay cả khi mất đến tận 50 năm...
Đây chính là câu trả lời cho những tên ngốc comment ở dưới tự hỏi vì sao những người da đen không vùng dậy chống trả những lúc bọn da trắng không trói họ lại. Họ có những nỗi sợ không tên, vì người da trắng bấy giờ không từ mọi thủ đoạn nào, đánh đập, hành hạ, đánh đến nhừ tử nhưng không để họ chết, phải sống không yên trong những nỗi đau dày vò theo năm tháng. Nỗi sợ này làm tôi liên tưởng ngay đến một bộ phim khác : "The Help". Xin lỗi các bạn nếu các bạn cảm thấy quá rối rắm trong câu chuyện của tôi. Thực tình lúc đầu tôi chỉ muốn viết duy nhất về 12 năm nô lệ; sau cùng có quá nhiều thứ móc nối với nhau giữa 3 bộ phim này làm tôi không thể không nhắc đến. Như thường lệ, tôi chỉ nói nhiều về cảm xúc, không kể chi tiết bộ phim, cách tốt nhất để hình dung là bạn hãy xem cả 3 bộ phim này.
The Help lấy bối cảnh của xã hội Mỹ sau hơn 1 thế kỷ tính từ thời điểm câu chuyện của người da đen Solomon trong 12 năm nô lệ. Lúc này phim đề cập đến nạn phân biệt chủng tộc chứ không còn là nạn buôn bán nô lệ. Nhưng dù sao những người da đen vẫn sống trong nỗi vất vả và nhục nhã, trước nỗi sợ hệ quả của nạn phân biệt chủng tộc. Người da trắng trong bộ phim này chủ yếu được khắc họa bằng sự đạo đức giả đến rởm đời, đáng ghê tởm. Những cô nàng đỏng đảnh chỉ biết ăn diện và hưởng thụ những bữa tiệc xa hoa phù phiếm, ngay cả con mình cũng không thèm ngó tới. Nhưng chúng vẫn dạy con rằng người da đen có bệnh, và cấm không cho họ dùng chung nhà vệ sinh với mình, điều nực cười là chính những người da đen ấy lại là bảo mẫu cho con chúng, và những đứa trẻ thân thiết và yêu thương họ đến mức phải thốt ra :"Cô mới thật sự là Mẹ của con". Họ nhận những đồng lương rẻ mạt của công việc hằng ngày trông trẻ con, làm mọi việc của một kẻ làm thuê cho một gia đình, trong khi chính con của mình lại không được chăm nom. Ấy, cái chua xót nó nằm ở nhiều chỗ. Vậy mà họ có dám đứng lên đấu tranh? Không hề. Cho đến khi có người đề nghị họ nói ra câu chuyện của mình, để ghi lại thành sách xuất bản. Họ vốn không chịu vì điều đó quá nguy hiểm, là vi phạm pháp luật. Nhưng sau cùng, cuốn sách vẫn được xuất bản dưới cái tên "Anonymous", với hàng chục câu chuyện bóc trần bản chất của người da trắng. Đó là sự dũng cảm mà tôi muốn nói đến, không phải sự vùng lên đấu tranh. Mặc dù tôi cũng là đứa mím môi mím lợi lúc Solomon đánh trả tên quản đốc, cảm giác như chính mình đang được nện hắn! Đó chính là lúc tôi thấu hiểu điều mà Solomon nói: "Tôi muốn sống, chứ không phải chỉ tồn tại". Muốn sống, khác với chỉ tồn tại ở chỗ phải đấu tranh. Nhưng đấu tranh cũng cần thời cơ, hoặc như Solomon, anh rốt cuộc thoát khỏi kiếp nô lệ là bởi gặp được may mắn, gặp được một người tốt. Solomon là một người dũng cảm. Về sau này khi thoát khỏi địa ngục trần gian ấy, ông bắt đầu chuỗi ngày đi tìm công lý, kiện bọn bắt cóc-bán nô lệ (nhưng thua kiện), giảng dạy về chiếm hữu nô lệ khắp vùng đông bắc nước Mỹ, viết cuốn sách mang tên "12 years a slave" và giúp nhiều người nô lệ bỏ trốn theo lối đường hầm đến các tiểu bang tự do..

Nếu không phải vì cái tên sách/phim, thì suốt gần hết cả bộ phim, tôi sẽ không thể ngờ được thời gian đã trôi qua 12 năm trong cuộc đời Solomon. Tôi đã ngỡ mọi việc chỉ là trong 1 năm, 2 năm. Nhưng không, những 12 năm! Tôi xem phim và cảm thấy những xúc cảm từ từ dấy lên trong tim mình, nhưng chỉ đến những phút cuối cùng của bộ phim, tôi mới bật khóc lên thành tiếng, tu tu như một đứa trẻ.
Xứng đáng hơn 130 giải thưởng lớn nhỏ, nhất là giải Oscar. Mong bạn sẽ xem nó, thật sớm sau khi đọc xong những dòng này.


(Một ngày hè năm 2014).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét