Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Ở đây, ở kia, ở đâu cũng có những người như thế

Mảnh yêu thương #2

Sáng nay ngồi học bên cửa sổ, gió hiu hiu lạnh, nhìn sang bên cạnh là cái nhà chung cư cũ kĩ, nhìn riết thấy tâm trạng ghê gớm, muốn viết ra cái gì đó..





* * *

Nhà tôi ở trong một cái ngõ nhỏ, bố mẹ xây nó cách đây 14 năm. Bố kể cái ngõ nhà tôi ngày mới xây nhà, tinh tươm, sạch sẽ, rộng rãi lắm, nhưng dần dần dân ở đâu cũng kéo đến xây nhà, làm ăn, nên ngõ bây giờ chật chội, toàn người là người. Toàn dân lao động nghèo cả, như bố mẹ tôi- cũng là những người lao động nghèo, hết sức chăm lo và hy sinh cho anh em tôi có cuộc sống tốt nhất.

Vợ chồng chị bán rau trước cửa nhà tôi có một sạp rau khá lớn, không rõ nhà xa không, mà bán từ sáng đến chiều tối. Sáng đi học ra đến cửa gặp anh chị, tôi hay chào, thỉnh thoảng ngủ dậy muộn vội quá thì thôi. Trông họ hiền lành, chất phác, mà cần mẫn làm ăn, tôi quý. Dạo trước tết dương vừa rồi 1 tuần, chị gọi tôi lại bảo là cho chị đặt một cái bánh sinh nhật cho con trai, cẩn thận dặn tôi vẽ hình con mèo ngộ nghĩnh nhé, cháu nó mới hai tuổi thôi, cho nó phấn khởi. Tôi nhận lời, rồi những ngày sau đó cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không quên câu cuối cùng chị nói với tôi: Làm hộ chị nghen, cả nhà, cả ông bà, từ trước đến nay cũng chẳng biết bánh ga-tô là gì, thôi thì sinh nhật cháu mua cho nó một cái cho biết, cho thằng bé vui!

Chiếc bánh ấy tôi đã làm với gấp bội tình cảm. Tôi muốn đứa bé có chiếc bánh sinh nhật đầu tiên hoàn hảo nhất, cho dù mới hai tuổi, nó vẫn chẳng biết gì đâu; Muốn ông bà, vợ chồng chị bán rau được ăn chiếc bánh ngon lành xứng đáng với đồng tiền bỏ ra mua nó, sau bữa cơm đạm bạc. Cuộc sống này vẫn còn nhiều cay đắng, cực nhọc. Cái nghèo khổ, thiếu thốn vẫn thường trực xung quanh. Tôi nghĩ đến, giả như trên đời này không còn những gia đình mà đồ mua chất đống, con cái lúc ăn lúc không, bỏ lay bỏ lắt, cuối cùng thối nát, ôi thiu, chậc lưỡi vứt đi..

* * *

Sau đi học nghề, tôi hay gửi xe ở ngoài trường dạy nghề. Chẳng rõ vẫn nghe loáng thoáng ở đâu, người lớn bảo đừng gửi ở ngoài, dễ mất xe, vào hẳn trường mà gửi, nhưng vì một lẽ nào đó, tôi vẫn thích để xe ở ngoài hơn. Một ngày mưa to dữ lắm, chỗ gửi xe nước tù nước đọng vì đường gồ ghề chẳng bằng phẳng, hôm đó tan học tôi lại đi loanh quanh với bạn bè, xe chưa lấy vội. Một lúc sau thì tất cả tràn ra, tắc đường hết cả trước cái cổng trường nghề ấy. Tôi đứng cho hết tắc, chú giữ xe đã chuyển xe tôi vào trong cùng vì ra muộn. Xong tôi gọi " Chú lấy giùm con cái xe trong cùng nhé". Chú bảo chờ chú một lát, vì lúc đó phải ghi vé cho các bạn học ca sau, đồng thời trả xe cho những đứa học ca trước như tôi. Quanh đi quẩn lại một lúc lâu vẫn chưa lấy được xe, tôi cũng chỉ đứng chờ, vì thực ra cũng rảnh, không vội vàng đi đâu hết. Chú mướt mải mồ hôi, quần áo xộc xệch, lấy xe cho tôi, quay xe gạt chân chống cẩn thận, tôi mới lục đục tìm vé. Chìa vé cho chú, chú bảo " Xin lỗi con phải chờ lâu nhé, các bạn đông quá. Thôi, 2 nghìn con ạ, thông cảm cho chú, cuộc sống mà".
Tôi lặng người. Tôi không hề trông mong người đàn ông ấy xin lỗi mình, càng không trông mong chú phải bảo tôi thông cảm. Tôi thông cảm mà! Có lẽ vì tôi phải chờ, nên chắc chú định không lấy tiền; Tôi không tin người ta nói ra những câu như vậy để nịnh đầm hay kéo khách. Hẳn phải từ suy nghĩ, tấm lòng của một người lao động chân chính biết giá trị của đồng tiền. Chú làm tôi tin trên đời vẫn còn nhiều người sống bằng tình cảm như thế, tôi chỉ gửi chú 2 nghìn tiền trông xe hôm đó, nhưng chú cho tôi nhiều, nhiều hơn là 2 nghìn ấy.

Và một lần nữa, từ những ngày sau đó cho đến tận bây giờ, và cả mai sau này, tôi sẽ không bao giờ quên..

* * *
"Thông cảm cho chú, cuộc sống mà.."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét